Ý nghĩa việc treo tranh Phật Bà Quan Âm trong nhà
Phật Bà Quan Âm – hay còn gọi là Quan Thế Âm Bồ Tát – là một trong những vị Bồ Tát được tôn kính và quen thuộc nhất trong đời sống tâm linh của người Việt Nam nói riêng và tín đồ Phật giáo khắp thế giới nói chung. Chỉ cần nhắc đến “Phật Bà” hay “Bồ Tát”, ai cũng sẽ liên tưởng ngay đến hình ảnh hiền từ, cứu khổ cứu nạn của Quan Thế Âm.
Trong văn hóa tâm linh của nhiều gia đình, tranh Phật Bà Quan Âm (hay còn gọi là Tranh Quan Âm Bồ Tát) đã trở thành một hình ảnh thiêng liêng, quen thuộc. Nếu để ý, bạn sẽ thấy rất nhiều ngôi nhà có treo tranh Quan Âm ở nơi trang trọng – bởi lòng người hướng về Ngài với niềm tôn kính và niềm tin vào lòng từ bi vô lượng.
Hạnh nguyện cứu khổ và lý do thờ Ngài
Quan Thế Âm Bồ Tát được biết đến với mười hai đại nguyện và tâm nguyện “tầm thanh cứu khổ” – luôn lắng nghe tiếng kêu cầu từ chúng sinh để ra tay cứu giúp. Ngài hóa hiện trong muôn hình vạn trạng giữa đời sống, giúp chúng sinh vượt qua đau khổ, tai ương. Chỉ cần thành tâm xưng niệm danh hiệu: “Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát”, chúng ta đã gieo được nhân duyên lành với Ngài.
Tuy nhiên, không phải ai cầu nguyện cũng đều được cảm ứng. Có người cầu mà linh ứng, nhưng cũng có người cầu hoài vẫn không thấy kết quả. Điều này không nằm ở sự linh thiêng của Bồ Tát, mà nằm ở tâm chí thành của chính người cầu. Nếu chúng ta dốc lòng thành kính, tin sâu – nguyện thiết, thì sẽ dễ cảm ứng với lòng từ của Bồ Tát. Ngược lại, nếu còn nhiều nghiệp chướng, tâm không thanh tịnh, thiếu từ bi và trí tuệ, thì khó mà khởi được sự giao cảm.
Treo tranh Phật – để nhắc nhở bản thân sống thiện lành
Việc treo tranh Phật Bà Quan Âm trong nhà không đơn thuần là để cầu tài, cầu lộc, mà là để mỗi ngày nhìn vào hình ảnh đức hạnh của Ngài, ta tự nhắc mình tu tập theo hạnh nguyện đó. Như kinh điển đã dạy, người học theo Bồ Tát Quán Thế Âm phải biết mở lòng từ bi, giúp đỡ người khó khăn, thương xót người cô quả, cứu độ sinh linh bị sát hại, phóng sanh, tạo nhiều thiện nghiệp.
Chính sự thực hành hạnh từ bi trong đời sống hằng ngày sẽ giúp chúng ta dần dần cảm ứng được với Bồ Tát, được Ngài che chở và trợ duyên trong những lúc khốn khó. Và khi tâm mình đã hướng về lợi ích chúng sinh, thì công danh sự nghiệp, tài lộc… tự nhiên sẽ đến, mà không cần phải cố gắng đòi hỏi. Khi ấy, ta có danh mà không chấp danh, sống giữa cuộc đời mà vẫn an nhiên tự tại – đó mới chính là hạnh phúc viên mãn.
Đánh giá
Clear filtersChưa có đánh giá nào.